Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Người điều trị tích cực nCoV tại Italy lần đầu tiên giảm

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này hôm 4/4 tăng từ 119.827 lên 124.632 người, mức tăng chỉ ở khoảng 4%. Thêm 681 người chết vì nCoV tại Italy, thấp hơn một chút so với 760 người chết hôm trước đó và là mức tăng hàng ngày thấp nhất trong hai tuần qua.

Số người chết tại Italy trong những ngày qua tiếp tục giảm sau "ngày chết chóc" 27/3 với 969 người qua đời vì nCoV. Tuy vậy, tổng số người chết ở nước này đến nay là 15.632, cao nhất thế giới.

Lần đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát, Italy báo cáo số bệnh nhân nguy kịch cần điều trị tích cực đã giảm từ 4.068 người xuống còn 3.994 người. Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Angelo Borrelli gọi đây là dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch, bởi điều này cho phép các bệnh viện có thể "tạm thở" sau thời gian dài dồn sức chống dịch.

Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cảnh báo Italy không thể chủ quan dù có những kết quả tốt ban đầu trong cuộc chiến chống Covid-19 . "Số bệnh nhân được điều trị tích cực giảm là tín hiệu mạnh mẽ nhưng tuyệt đối không nên coi đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đã vượt qua giai đoạn hiểm nghèo. Nó chỉ cho thấy các biện pháp mà chúng ta áp dụng đã thành công phần nào", trưởng ban cố vấn khoa học của chính phủ Italy Franco Locatelli nói.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị tại Bệnh viện Đức cha Papa Giovanni XXIII tại Bergamo, Italy ngày 3/4. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế chăm sóc cho bệnh nhân nhiễm nCoV được điều trị tại Bệnh viện Đức cha Papa Giovanni XXIII tại Bergamo, Italy ngày 3/4. Ảnh: AFP .

Giới chức Italy cho biết số ca nhiễm mới và số người chết trong những ngày gần đây cho thấy dịch đã đạt đỉnh và con số có thể giảm, song chỉ khi các biện pháp phong tỏa được tôn trọng. Một số video quay những nhóm tụ tập đi dạo tại Rome, Naples và Milan làm dấy lên lo ngại nhiều người Italy đang phớt lờ các quy tắc phòng chống dịch.

"Những hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy một vài người buông lỏng việc chấp hành. May mắn thay chỉ có vài người, họ nên tự cảm thấy hối hận và đừng như họ. Chúng ta không thể tự cho rằng đã tới lúc để mọi thứ trở lại bình thường", ủy viên đặc biệt phụ trách chống Covid-19 của chính phủ Italy Domenico Arcuri nói.

Chính quyền vùng Lombardy, tâm dịch tại Italy với hơn 49.000 ca nhiễm nCoV, kêu gọi dân chúng tiếp tục tuân thủ các biện pháp phong phiên dịch tỏa cũng như che miệng và mũi khi ra ngoài.

Italy là quốc gia phương Tây đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu. Chuyên gia y tế Italy nhận định các biện pháp phong tỏa đã phát huy hiệu quả, song nước này lãng phí quá nhiều thời gian trước đó, khiến nhiều người chết.

Lệnh phong tỏa tại Italy khiến hầu hết các doanh nghiệp phải đóng cửa và giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn mong manh. Một quan chức cấp cao của Italy cho biết chính phủ nước này đã lên kế hoạch mở rộng quyền hạn để bảo vệ các công ty chủ chốt khỏi bị nước ngoài thâu tóm.

Một số quốc gia như Nga, Trung Quốc và Việt Nam đã hỗ trợ Italy khẩu trang cùng vật tư y tế để chống dịch. Nga, Trung Quốc và Cuba đã cử các chuyên gia y tế sang Italy, còn Đức tiếp nhận và điều trị một số bệnh nhân nhiễm nCoV từ nước này.

Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1,1 triệu ca nhiễm nCoV, hơn 64.000 người chết và hơn 245.000 người đã hồi phục.

Nguyễn Tiến (Theo AFP, Reuters )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét